Hôi miệng là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả những trường hợp có mùi hôi có thể nhận thấy nhận thấy khi thở. Đây được xem là lý do hay gặp trong số các lý do thường gặp nhất khiến bệnh nhân phải đến khám răng miệng, sau sâu răng và bệnh lý nha chu.
Hôi miệng có thể là tạm thời, thường mất đi sau khi ăn, chải răng, dùng chỉ tơ nha khoa và súc miệng bằng các dung dịch súc miệng. Nghiêm trọng hơn, hôi miệng cũng có thể là dai dẳng (hôi miệng mạn tính).
NGUYÊN NHÂN HÔI MIỆNG
Trong hầu hết trường hợp, hôi miệng có nguồn gốc ngay tại miệng. Mức độ hôi miệng khác nhau từng ngày phụ thuộc vào thành phần thức ăn (như acid galic, hành, thịt, cá, và pho mát), tình trạng béo phì, hút thuốc lá và lượng cồn tiêu thụ. Ban đêm, do miệng ít hoạt động và ít thoáng khí hơn nên khi thức dậy vào buổi sáng mùi hôi thường nặng hơn ( “hôi miệng buổi sáng”) các thời điểm khác trong ngày.
Nguồn gốc tại miệng
Lưỡi
Lưỡi là vùng có liên quan chặt chẽ nhất với tình trạng hôi miệng. Các vi khuẩn trên lưỡi sinh ra các chợp chất nặng mùi và các acid béo, là nguyên nhân của 80-90% các ca hôi miệng liên quan trực tiếp đến miệng. Một lượng lớn vi khuẩn tìm thấy ở phía sau của mặt lưng lưỡi - vùng tương đối ít bị ảnh hưởng bởi các hoạt động bình thường- vì đây là vùng khô, ít được làm sạch, và quần thể vi khuẩn có thể phát triển mạnh mẽ trên các mảnh thức ăn tồn đọng, xác các tế bào biểu mô, và dịch mũi. Cấu trúc phức tạp của lưỡi cung cấp một môi trường sống lý tưởng cho vi khuẩn kỵ khí phát triển dưới một lớp niêm mạc lưỡi được hình thành từ các mảnh vụn thức ăn, các tế bào chết, dịch mũi và các vi khuẩn. Hô hấp kỵ khí của các vi khuẩn này sinh ra mùi thối của các dẫn xuất amin, skatole, hoặc mùi trứng thối của hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi như hydrogen sulfide, methyl mercaptan, allyl methyl sulfide, và dimethyl sulfide.
Miệng
Hơn 600 loại vi khuẩn được tìm thấy trong miệng. Hàng chục loại trong số này tạo ra mùi hôi rất khủng khiếp khi ủ trong phòng thí nghiệm. Mùi được sản xuất ra chủ yếu là do sự phân hủy các protein thành các axit amin cá nhân, và một số loại axit amin nhất định lại phân hủy sinh ra mùi dễ nhận thấy. Ví dụ như, Cystein và Methionine phân hủy sinh ra mùi của Hydrogen sulfide và Methyl mercaptan tương ứng. Hợp chất lưu huỳnh bay hơi đã được chứng minh là có liên quan với mức độ hôi miệng, và thường giảm sau khi điều trị hôi miệng thành công.
Các vùng khác của miệng cũng có thể góp phần vào việc gây mùi tổng thể, tuy nhiên không phổ biến như vùng phía sau của lưỡi, như vùng kẽ răng, vùng dưới lợi, phục hình răng sai quy cách, các ổ áp xe, răng giả không vệ sinh. Các tổn thương răng miệng gây ra do nhiễm virus như Herpes Simplex và HPV cũng góp phần gây ra hơi thở hôi.
Các bệnh lợi
Có một số tranh cãi về vai trò của bệnh nha chu gây ra hôi miệng. Tuy nhiên, bệnh nha chu tiến triển là một nguyên nhân phổ biến của chứng hôi miệng nặng. Các sản phẩm của các vi khuẩn kỵ khí phát triển bên dưới lợi có mùi hôi và đã được chứng minh trên lâm sàng là tạo ra hơi thở hôi rất mãnh liệt. Việc loại bỏ vôi răng dưới lợi (cao răng, mảng bám cứng) và mô dễ vỡ giúp cải thiện tình trạng trên một cách đáng kể. Cần có sự phối hợp giữa việc nạo túi lợi và làm nhẵn bề mặt chân răng với sử dụng nước súc miệng diệt khuẩn.
Mũi
Nguồn gốc gây hôi miệng thứ hai chính là mũi. Khí thở từ mũi có mùi cay nồng khác với mùi hôi từ miệng. Nguyên nhân gây hôi miệng từ mũi thường là do viêm xoang hay các cơ quan bên ngoài.
Amidan
Viêm hoặc thoái hóa của Amidan góp một phần nhỏ vào chứng hôi miệng. Vôi hóa các hốc Amidan (gọi là sỏi amidan), gây ra mùi rất hôi khi thở.
Thực quản
Thoát vị thực quản hay trào ngược dạ dày thực quản, cho phép axit đi qua thực quản và thoát khí ra ở miệng. Túi thừa Zenker (túi thừa hầu- thực quản) cũng có thể gây ra hơi thở hôi do sự chuyển hóa các thực phẩm được giữ lại trong thực quản.
Dạ dày
Dạ dày được coi là một nguồn gốc rất phổ biến của hơi thở hôi. Hội chứng trào ngược dạ dày thực quản, hoặc có lỗ rò giữa thực quản và dạ dày thường gây ra tình trạng hôi miệng nặng nề.
Các bệnh hệ thống
Có một vài bệnh hệ thống (không liên quan đến miệng) có thể gây ra hơi thở hôi, mặc dù các bệnh này khá hiếm gặp, như:
1. Mùi hôi thối từ gan: Gây ra bởi suy gan mạn tính.
2. Nhiễm trùng đường hô hấp dưới (phế quản và phổi).
3. Nhiễm trùng thận và suy thận.
4. Ung thư biểu mô.
5. Trimethylaminuria ( hội chứng cá thối).
6. Đái tháo đường.
7. Rối loạn chức năng trao đổi chất.
Các cá nhân bị các bệnh kể trên còn biểu hiện nhiều triệu chứng khác ngoài hôi miệng.
CHẨN ĐOÁN HÔI MIỆNG
Tự chẩn đoán: các nhà khoa học cho rằng, người ta rất khó tự nhận biết mùi riêng của mình do tính thích nghi mặc dù họ có thể nhận ra mùi của người khác. Một số người cho rằng họ có hơi thở hôi do các vị ngoại lai như vị kim loại, vị chua, vị của thức ăn phân hủy… mặc dù các vị này hầu như chỉ đóng một vai trò rất nhỏ trong việc sinh mùi.
Vì lí do này, cách đơn giản và hiệu quả nhất để biết liệu mình có bị hôi miệng không là hỏi ý kiến của một thành viên người lớn trong gia đình hoặc một người bạn thân tín. Nếu họ xác nhận rằng bạn có vấn đề về mùi hơi thở, họ có thể giúp bạn xác định xem mùi đó có nguồn gốc từ miệng hay mũi, cũng như thẩm định xem các phương pháp điều trị có hiệu quả hay không.
Một cách phổ biến để xác định sự hiện diện của hôi miệng là liếm vào mặt sau của cổ tay, để khoảng 1-2 phút cho nước bọt khô, và ngửi. Test thử này thường đưa ra chẩn đoán quá mức, vì vậy cũng không nên dùng. Cách tốt hơn là cạo nhẹ vùng phía sau mặt lưng lưỡi bằng một thìa cạo bằng nhựa, sau đó ngửi mùi chất bã khô. Một test hóa học tại nhà để kiểm tra sự hiện diện của polyamins và hợp chất lưu huỳnh là sử dụng miếng gạc lau lưỡi. Hơn nữa, vì mức độ mùi thay đổi suốt cả ngày phụ thuộc vào nhiều yếu tố, do đó, cần thiết phải tiến hành nhiều thử nghiệm.
Chẩn đoán chuyên khoa
Nếu hơi thở hôi liên tục và các yếu tố nha khoa và bệnh lý khác đã được loại trừ, việc kiểm tra chuyên khoa và điều trị là bắt buộc. Các phòng khám nha khoa có thể chẩn đoán chứng hôi miệng nhờ một số phương pháp được dùng trong phòng thí nghiệm, cũng như điều trị.
1.Halimeter: một chiếc máy hiển thị sulfide di động được sử dụng để kiểm tra nồng độ các chất có chứa lưu huỳnh (cụ thể là hydrogen sulfide). Khi sử dụng đúng cách, thiết bị này sẽ rất có hiệu quả trong việc xác định mức độ của một số vi khuẩn sản xuất các hợp chất có chứa lưu huỳnh. Tuy vậ, máy này có nhược điểm trong ứng dụng lâm sàng, ví dụ, việc các sulfide thông thường khác (như mercaptan) rất khó được ghi lại và có thể bị hiển thị sai trong kết quả thử nghiệm. Một số thực phẩm như tỏi và hành sản xuất lưu huỳnh lưu giữ trong hơi thở và có thể dẫn đến đọc sai kết quả. Halimeter cũng rất nhạy cảm với rượu, vì vậy nên tránh uống rượu hoặc sử dụng các loại nước súc miệng có cồn ít nhất 12 giờ trước khi thử nghiệm. Máy này giảm nhạy cảm theo thời gian và yêu cầu hiệu chỉnh lại định kỳ để đảm bảo tính chính xác.
2.Test BANA: đánh giá mức độ của một loại enzyme trong nước bọt cho thấy sự hiện diện của một số vi khuẩn liên quan đến chứng hôi miệng.
3. Test ß-galactosidase: mức độ của enzyme này trong nước bọt có tương quan với sự hôi miệng.
Mặc dù những thiết bị đo đạc, kiểm tra được sử dụng rộng rãi tại các bệnh viện, nhưng tiêu chuẩn vàng để đánh giá hôi miệng chính là sự đánh giá từ thực tế kết hợp với đo mức độ và loại mùi nhờ các chuyên gia.
CHỮA HÔI MIỆNG TẬN GỐC
Các phương pháp điều trị được gợi ý bao gồm:
1. Làm sạch lưỡi
Làm sạch lưỡi nhằm kiểm soát hơi thở có mùi. Đây cũng là một việc hết sức quan trọng, có thể kiểm soát được và rất có hiệu quả. Đừng nên quên động tác chải lưỡi khi chải răng
Các phương pháp khác như dùng thuốc xịt miệng, bạc hà, nước súc miệng hoặc kẹo cao su có thể tạm thời che dấu mùi, nhưng không thể chữa trị hoàn toàn chứng hôi miệng do không loại bỏ được căn nguyên gây hôi miệng. Để ngăn chặn việc sản xuất các hợp chất lưu huỳnh kể trên, vi khuẩn trên lưỡi phải được loại bỏ, cũng như các mảnh vụn thức ăn phân hủy ở phía sau mặt lưng lưỡi phải được lấy sạch.
Làm sạch bề mặt lưỡi nhẹ nhàng 2 lần một ngày là cách hiệu quả nhất để kiểm soát hơi thở có mùi. Có thể sử dụng bàn chải đánh răng, cây cạo lưỡi hoặc bàn chải lưỡi, thậm chí một chiếc muỗng cà phê lật ngược để loại bỏ sạch màng vi khuẩn, các mảnh vỡ, và chất nhày bám trên lưỡi. Nên tránh cạo mạnh làm tổn hại lưỡi, và cũng cần tránh cạo vào vùng hàng rào vị giác chữ V ở cực sau của lưỡi. Chải mặt lưỡi bằng một lượng nhỏ nước súc miệng diệt khuẩn hoặc gel làm sạch lưỡi sẽ ngăn chặn các hoạt động tiếp diễn của vi khuẩn.
2. Ăn một bữa sáng lành mạnh với các thức ăn thô để làm sạch mặt sau của lưỡi.
3. Nhai kẹo cao su:
Khô miệng làm tăng sự tích tụ vi huẩn và gây ra, hoặc làm trầm trọng thêm hơi thở có mùi. Nhai kẹo cao su không đường giúp tăng tiết nước bọt, do đó làm giảm hôi miệng. Nhai kẹo cao su có thể đem lại hiệu quả tích cực đặc biệt là khi miệng khô hoặc khi không thể vệ sinh răng miệng sau bữa ăn (nhất là những bữa ăn giàu protein). Điều này hỗ trợ việc cung cấp nước bọt, làm sạch vi khuẩn đường miệng, có tính chất kháng khuẩn và thúc đẩy các hoạt đọng cơ học làm sạch miệng. Một số loại kẹo cao Su có chứa thành phần chống mùi hôi đặc biệt. Tuy nhiên nếu nhai kẹo cao su quá nhiều cũng có thể gây ra hiện tượng mỏi khớp thái dương hàm do vậy cũng cần phải chú ý không được lạm dụng quá mức biện pháp này. Nên có ý kiến của nha sỹ để lựa chọn biệun pháp phù hợp cho từng cá nhân.
Nhai hạt thì là, quế, kẹo cao su, rau mùi tươi, là các phương pháp dân gian phổ biến.
3. Súc miệng ngay trước khi ngủ với nước súc miệng.
Một số loại nước súc miệng trên thị trường có tác dụng giảm mùi hôi trong nhiều giờ. Nước súc miệng có thể chứa một số thành phần hoạt hóa mà có thể bị bất hoạt bởi xà phòng trong kem đánh răng. Vì thế người ta khuyên không nên súc miệng ngay sau khi chải răng hoặc dùng nước súc miệng khi chải răng. Nên có sự tư vấn của nha sỹ để lựa chọn được nước súc miệng phù hợp.
Các loại nước súc miệng chứa các thành phần kháng khuẩn như Cetylpyridinium chloride, Chlorhexidine, kẽm gluconate, tinh dầu, Chlorine dioxide có thể làm mất mùi tạm thời. Kẽm Gluconate và Chlorhexidine cho hiệu quả hiệp đồng rất mạnh. Nuớc súc miệng thường có chứa cồn làm dung môi do vậy cần đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất để lựa chọn phù hợp theo lứa tuổi.
Các giải pháp khác dựa trên việc thải bớt mùi, chẳng hạn như sử dụng các chất oxy hóa, để loại bỏ hơi thở có mùi ngắn hạn. Một cách tiếp cận mới cho việc điều trị chứng hôi miệng tại nhà là sử dụng các loại nước súc miệng có chứa tinh dầy. Tinh dầu đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc làm giảm chứng hôi miệng và đang được sử dụng trong một số loại nước súc miệng hiện có trên thị trường.
3. Duy trì vệ sinh răng miệng hàng ngày bao gồm đánh răng, làm sạch lưỡi, dùng chỉ nha khoa, và đến khám nha sĩ theo định kỳ. Dùng chỉ nha khoa đặc biệt quan trọng trong việc loại bỏ những mảnh vụn thức ăn thối rữa và mảng bám vi khuẩn giữa các răng, đặc biệt là ở lợi. Răng giả nên được làm sạch đúng cách.
4. Liệu pháp tâm lý
Cũng cần lưu ý rằng, có khá nhiều bệnh nhân bị mắc chứng hôi miệng ảo tưởng.Những bệnh nhân này bị ám ảnh về hơi thở hôi, hay chứng ảo tưởng hôi miệng. Họ chắc chắn rằng mình bị hôi miệng mà không hề hỏi ý kiến người khác để nhận được một lời nhận xét khách quan. Do vậy, liệu pháp tâm lý hết sức quan trọng đối với những bệnh nhân này
Kết luận
Hôi miệng là một tình trạng hay gặp, có thể ảnh hưởng nhiều đến đời sống tâm lý của từng cá nhân, đặc biệt trong vấn đề giao tiếp. Nguyên nhân của hôi miệng phức tạp, có thể do nhiều yếu tố, do vậy cần có sự chẩn đoán của các bác sỹ chuyên khoa để xác định nguyên nhân và lập kế hoạch điều trị phù hợp. Chải răng và chải lưỡi sạch là một công việc rất đơn giản nhưng có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề hôi miệng liên quan đến các nguyên nhân trong miệng do vậy chúng ta đừng nên quên động tác chải lưỡi mỗi khi chải răng để có thể tạo một làn hơi thở thơm tho trong khi giao tiếp.
(Sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét