Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Cô gái Ba Na hiếu thảo sáng chế máy nhổ khoai mì - DVO

Tại cuộc thi sáng tạo khoa học công nghệ dành cho học sinh khối THCS tỉnh Kon Tum, thiết bị nhổ khoai mì của Y Da Di đã thuyết phục hội đồng chấm giải và được trao giải nhì (không có giải nhất).

Thầy giáo Trần Đình Thuy và Y Da Di bên thiết bị tự chế của mình.
Thầy giáo Trần Đình Thuy và Y Da Di bên thiết bị tự chế của mình.

Cô bé hiếu thảo người Ba Na, Y Da Di hiện đang là học sinh lớp 9 Trường THCS Trần Khánh Dư (Kon Tum). Em sống tại làng Ba Na Kon Rờ Bàng (xã Vinh Quang, TP.Kon Tum.

Y Da Di cho biết, việc trồng khoai mì cực nhất là lúc thu hoạch. Củ nằm sâu dưới đất cứng và muốn thu hoạch được không còn cách nào khác là dùng sức người nhổ thủ công.

Di nói: "Mỗi lần thu hoạch như thế làng em phải tập trung đổi công nhưng việc thu hoạch vẫn rất lâu. Bố mẹ em lớn tuổi rồi nên mỗi lần đi nhổ khoai mì về đau lưng miết".

Cuối năm 2013, khi nghe thầy cô giáo thông báo có cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho lứa tuổi học sinh, Y Da Di đến gặp thầy giáo Trần Đình Thuy bày tỏ ý tưởng: "Em sẽ làm một cái `máy` nhổ khoai mì được không thầy?"

Thầy Thuy đồng ý về ý tưởng thiết thực của cô học trò nhỏ và nói Di vẽ sơ qua về "chiếc máy đó". Khi hiểu ý tưởng thầy đã giúp đỡ và cùng Y Da Di bắt tay vào thực hiện ý tưởng này.

Thầy cho biết khi thợ hàn ra thiết bị hoàn thiện, cả hai thầy trò đã tranh thủ chạy ra rẫy giữa trưa nắng để thực nghiệm và kết quả thành công. Nhiều củ mì nằm dưới mặt đất được kéo lên nhẹ nhàng và không mất nhiều sức.

Thiết bị nhổ khoai mì của thầy trò Y Da Di có cấu tạo và nguyên tắc hoạt động rất đơn giản, gồm hai bộ phận chính là đòn bẩy và hệ thống gọng kìm trợ lực, hoạt động dựa trên lực đòn bẩy.

Khi đế thiết bị được đặt sát gốc thì hệ thống kìm sẽ ghìm chặt gốc cây, chỉ cần bẩy lên thì toàn bộ gốc, củ sẽ được kéo lên khỏi mặt đất.

Với thiết bị có trọng lượng chưa đầy 2,5 kg và cấu tạo như vậy, ai cũng có thể sử dụng được.

Trước đó, vào năm 2012, ông Lệ, một người nông dân tại xã Hồ Xá cũng đã có ý tưởng và chế tác thành công chiếc máy nhổ sắn. Cặm cụi làm việc sau 1 tháng, ông Lệ cho ra đời chiếc máy nặng 20kg, có cấu tạo như chiếc xe đẩy, bánh xe đặc để dễ di chuyển ở nhiều địa hình.

Bộ phận chính của máy gồm tay lái và thân máy được thiết kế linh hoạt, hai má kềm dùng để cắt và nhổ sắn. Ông Lệ cho biết: “Tính năng nổi trội của chiếc máy này là nhổ sắn nhanh, không kén địa hình, dễ sử dụng, đỡ tốn sức... Đặc biệt, máy hoạt động cơ học, không tốn điện hay xăng dầu”.

Người nông dân mê sáng tạo này cho biết đây là sáng chế thứ hai sau chiếc máy nhổ lạc và hạt tiêu được giới thiệu tại chợ Công nghệ và thiết bị quốc tế Việt Nam năm 2012.

 Thạch Tú(Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét