Bên lề sự kiện Ngày hội khởi nghiệp và công nghệ Việt Nam 2015 (TECHFEST)được tổ chức mới đây tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.
Theo đó ông cho biết, ở Việt Nam khái niệm đầu tư mạo hiểm còn rất mới. Đầu tư cho ý tưởng khoa học công nghệ chính là đầu tư mạo hiểm. Có thể đầu tư cho 5-10 dự án, nhưng chỉ có 1 dự án thành công.
"Vì vậy, ở Việt Nam chưa chấp nhận việc đầu tư mạo hiểm hay nói cách khác chúng ta vẫn còn dè dặt với đầu tư mạo hiểm. Khi đầu tư mạo hiểm không được quan tâm, xác suất thành công của các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ rất hạn chế", ông Quân nói.
Vì vậy ngày hội khởi nghiệp được vị trưởng ngành KHCN kỳ vọng sẽ là sự kiện giúp đưa nhà đầu tư quốc tế đến với nhà sáng tạo Việt Nam.
"Việc tổ chức các sự kiện như thế này sẽ giúp những người có ý tưởng, sản phẩm khoa học, kết quả nghiên cứu thành công giới thiệu, trình diễn kết quả của mình. Như vậy, các nhà đầu tư khi đến đây sẽ nhìn thấy khả năng ứng dụng, triển vọng trở thành sản phẩm của xã hội để đầu tư", Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.
Khi đầu tư mạo hiểm không được quan tâm, xác suất thành công của các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ rất hạn chế |
Cũng theo ông Quân, trong thời gian qua, do cơ chế chính sách chưa thực sự khuyến khích nên số lượng doanh nghiệp KHCN mà thực chất là doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) phát triển rất chậm so với mong muốn cũng như mục tiêu của Chiến lược phát triển khoa học công nghệ tới năm 2020.
“Mặc dù trong những năm qua chúng ta có những đốm lửa nho nhỏ về doanh nghiệp khởi nghiệp và có không ít những doanh nghiệp đã thành công nhưng những đốm lửa ấy chưa đủ để trở thành một phong trào với mục tiêu là phải có tới 5.000 doanh nghiệp khoa học công nghệ vào năm 2020”, ông Quân khẳng định.
Cho rằng, năm 2016 sắp tới sẽ đầy thách thức khi chúng ta trở thành thành viên của TPP. Chúng ta sẽ ký hiệp định đối tác tự do thương mại với Liên minh châu u, Hàn Quốc, Liên minh hải quan Nga, Kazakhstan, Belarus hòa nhập với nền kinh tế thế giới.
"Nếu doanh nghiệp Việt Nam không đổi mới công nghệ, không có sản phẩm mới đủ sức cạnh tranh chắc chắn doanh nghiệp Việt Nam sẽ đứng trước bờ vực nguy hiểm. Bởi vì lúc đó không còn hàng rào thuế quan. Chúng ta sẽ cạnh tranh tự do, sòng phẳng với các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới", Bộ trưởng KHCN cảnh báo.
Phương Nguyên (Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét