Ngày 7/5, Sở TN&MT và Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cùng với đơn vị đóng quân trong sân bay Biên Hòa là Trung đoàn 935, Công ty CP Đầu tư khoáng sản – than Đông Bắc (Công ty Đông Bắc) và Công ty Toàn Thịnh Phát đã có buổi làm việc để truy rõ nguồn gốc vật liệu sử dụng cho hoạt động nạo vét, san lấp tại dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai, quy mô 8,4 ha” do Công ty Toàn Thịnh Phát làm chủ đầu tư.
Tại buổi làm việc, đại diện Sở TN&MT Đồng Nai và các cơ quan đơn vị đã khẳng định ở khu vực sân bay Biên Hòa không có dự án khai thác đất đá, chỉ có một dự án xây dựng hồ chứa nước phục vụ hoạt động của sân bay do Công ty Đông Bắc thuộc Tổng Công ty 319.
Dự án lấn sông Đồng Nai: 4 bộ cùng thị sát |
Quá trình đào hồ có dư ra một lượng đá xây dựng và đơn vị thực hiện được phép tận thu theo quy định của Luật Khoáng sản. Công ty Đông Bắc cũng đã tiến hành thử nghiệm chất lượng đất, nước trong khuôn viên lòng hồ và kết quả thử nghiệm cho thấy khu vực này không bị nhiễm đioxin.
Lượng đá tận thu, Công ty Đông Bắc chỉ giao lại cho 1 doanh nghiệp duy nhất là Công ty Hưng Thịnh Phát ở TP Bà Rịa để gia công, sử dụng, hoàn toàn không bán cho Công ty Toàn Thịnh Phát.
Tại buổi làm việc, Công ty Toàn Thịnh Phát cũng đã cung cấp các hợp đồng, chứng từ mua bán nguyên vật liệu dùng cho san lấp mặt bằng ven sông Đồng Nai gồm: hợp đồng với DNTN số 10 để cung cấp vật liệu đá hỗn hợp; hợp đồng với Công ty TNHH Thùy Linh để mua đá hỗn hợp và đá mi; hợp đồng với HTX An Phát để mua đá hộc D60 và đá hộc D15 – 30.
Lượng đất, đá được đổ xuống sông Đồng Nai |
Vì vậy, qua làm việc và qua kiểm tra các hợp đồng nêu trên, đại diện 2 Sở chuyên trách của Đồng Nai và các đơn vị liên quan đã thống nhất khẳng định rằng: nguồn gốc nguyên vật liệu dùng cho hoạt động san lấp, lấn một phần sông Đồng Nai của chủ đầu tư là Công ty Toàn Thịnh Phát không được lấy từ sân bay Biên Hòa.
Thế nhưng, trước đó, một lãnh đạo sân bay Biên Hòa cho biết: “Một khối lượng lớn đất, đá từ trong sân bay được Toàn Thịnh Phát lấy và vận chuyển bằng cả đường bộ lẫn đường sông”.
Hơn nữa, dự án lấn sông Đồng Nai nằm ngay cạnh họng nước của nhà máy nước Biên Hòa hằng ngày có khoảng 1,5 triệu người dân sử dụng và cách đó khoảng hơn một km là nhà máy nước cung cấp nguồn nước sạch cho gần chục triệu người dân TPHCM.
Điều đáng nói, theo phản ánh của người dân ở tổ 2, ấp Bình Thạch, xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), thì nơi đây được coi là cổng ra vào chính của các loại xe vận chuyển đất, đá khai thác tại hầm đá trong khuôn viên sân bay Biên Hòa.
Con đường Chùa Phổ Quang cắt ngay tỉnh lộ 768 nối từ TP Biên Hòa đi huyện Vĩnh Cửu tuy khá nhỏ, hẹp nhưng giờ đang phải oằn mình gánh những đoàn xe ben nối đuôi nhau ngược xuôi vận chuyển đất, đá từ trong sân bay Biên Hòa ra cầu cảng trên sông Đồng Nai và vận chuyển thẳng đến các công trình san, lấp mặt bằng, xây dựng.
Theo người dân sống ven đường, sự sôi động này bắt đầu diễn ra khoảng gần năm tháng nay kể từ khi một số doanh nghiệp tổ chức khai thác, vận chuyển đất, đá từ trong sân bay Biên Hòa ra.
Trong khi đó, theo đánh giá của các nhà khoa học, do việc sau khi máy bay quân đội Mỹ đi rải chất độc hóa học về đều súc, rửa máy bay ở những hồ nước trong và ngoài sân bay, nên diện tích đất bị nhiễm dioxin không chỉ riêng trong sân bay Biên Hòa, mà còn phát tán ra những vùng lân cận.
Lấn sông Đồng Nai: Đúng quy trình nhưng tạm dừng vì... |
Hằng ngày, đất phủ mặt và đất trộn đá tại sân bay Biên Hòa sau khi khai thác được các chủ đại lý bán lẻ móc nối với doanh nghiệp khai thác để bán cho người dân, công trình san lấp mặt bằng vùng lân cận.
Giá đất một xe ben loại 15 tấn nếu mua tại bãi khoảng từ 210 nghìn đến 250 nghìn đồng/xe và xe của đại lý chở đến công trình trong pham vị từ 500 m đến một km thì có giá từ 500 đến 550 nghìn đồng/xe.
Trước đó, tại cuộc hội thảo về Dự án “Xử lý ô nhiễm môi trường tại các điểm nóng ô nhiễm nặng dioxin ở Việt Nam” được tổ chức ngày 21/10/2014, PGS. TS Lê Kế Sơn, Giám đốc dự án Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Ban chỉ đạo 33), khu vực này chính là nơi nhiễm chất độc đioxin có nồng độ nặng nhất, lâu nhất và lớn nhất trên thế giới.
Thái Linh (Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét