Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

VUSTA phản biện thẳng thắn, khách quan những vấn đề nóng - DVO

TS Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã chia sẻ điều này tại buổi họp báo Công bố Dự thảo văn kiện, triển khai công tác tuyên truyền chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) lần thứ VII chức vào chiều 15/4.

Theo TS Mậu, tính đến hết năm 2014, Liên hiệp Hội Việt Nam (LHH) đã có 140 hội thành viên, trong đó có 63 liên hiệp hội tỉnh, thành phố và 77 hội ngành toàn quốc, so với đầu nhiệm kỳ, Liên hiệp Hội Việt Nam đã tăng 15 hội thành viên, trong đó tăng 8 Liên hiệp hội địa phương và 7 hội ngành toàn quốc.

"Liên hiệp Hội Việt Nam đang chú trọng nâng cao số lượng và chất lượng hội viên, nhất là những trí thức trẻ. Đến nay, tổng số hội viên của toàn hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam có trên 2,8 triệu người, tăng gần một triệu so với nhiệm kỳ trước, đây là con số hết sức ấn tượng", TS PhanTùng Mậu cho biết.

Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội là một nhiệm vụ quan trọng, là thế mạnh đặc biệt của đội ngũ trí thức hoạt động trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam. Trong nhiệm kỳ qua, Liên hiệp Hội Việt Nam đã tích cực vận động chính sách, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách và pháp luật, tạo điều kiện để trí thức tham gia góp ý kiến khách quan, thẳng thắn và có chất lượng cao về những vấn đề hệ trọng có liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước, nhất là về KH&CN, giáo dục và đào tạo, chính sách đối với trí thức.

"Thông qua gần 400 tờ báo, tạp chí, bản tin, trang tin điện tử và nhà xuất bản, Liên hiệp Hội Việt Nam đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức KH&CN trong nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người, góp phần vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới, giáo dục và đào tạo, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ sức khỏe nhân dân, gìn giữ chủ quyền biển và hải đảo của đất nước", TS Mậu cho biết.

Hoạt động phản biện cũng được nhiều phóng viên tại buổi họp báo quan tâm. Theo đó, trả lời câu hỏi của phóng viên về sự vào cuộc của các nhà khoa học với những vấn đề “nóng” của xã hội trong thời gian qua, như lấn sông Đồng Nai, chặt cây xanh ở Hà Nội, boxit Tây Nguyên, hay chuyện “nông dân để trâu ăn dưa hấu” ở miền Trung… TS Phan Tùng Mậu khẳng định các nhà khoa học đã vào cuộc tích cực, lên tiếng phản biện, góp ý.

Chương trình boxit Tây Nguyên nhiều lần được các nhà khoa học thuộc Liên hiệp hội Việt Nam lên tiếng
Chương trình boxit Tây Nguyên nhiều lần được các nhà khoa học thuộc Liên hiệp hội Việt Nam lên tiếng

Theo TS Mậu, có những cuộc phản biện mang tính chất công khai, nhưng cũng có những vấn đề Liên hiệp hội Việt Nam hoặc các hội chuyên ngành có ý kiến góp ý, tư vấn phản biện trực tiếp tới Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ hay các cơ quan chức năng.

Để phát huy hơn nữa sức mạnh của đội ngũ trí thức, trong nhiệm kỳ tới, Liên hiệp Hội Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò, vị trí là tổ chức chính trị - xã hội trong việc tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam.

Ngoài ra Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam, tăng cường và mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế… phấn đấu đạt được mục tiêu chiến lược: Đến năm 2020, Liên hiệp Hội Việt Nam trở thành một tổ chức chính trị - xã hội thực sự vững mạnh từ Trung ương đến địa phương.

LHH giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết rộng rãi và phát huy sức mạnh sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội thành viên và hội viên hoạt động trong các hội; là nhân tố quan trọng đưa KH&CN trở thành động lực phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, hiện đại, hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần phát triển bền vững đất nước.

Với tinh thần "Đoàn kết - Đổi mới - Trí tuệ - Phát triển" trong nhiệm kỳ tới Liên hiệp hội Việt Nam tiếp tục nâng cao năng lực và đẩy mạnh hoạt động chuyên môn, nghề nghiệp của các hội thành viên và các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc. Trong số này hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội cũng sẽ được chủ động hơn nữa, để đề xuất tham mưu cho Đảng, Nhà nước những vấn đề quan trọng về chủ trương, chính sách phát triển đất nước, trước hết là những vấn đề liên quan đến KH&CN, giáo dục đào tạo, chính sách đối với trí thức...

Bích Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét