Cụ thể, dự án sẽ được triển khai theo hình thức đấu thầu hạn chế trong số các nhà máy đóng tàu của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy.
Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý kéo dài thời gian thanh toán số kinh phí ứng trước (200 tỷ đồng) đến hết năm 2015 để thực hiện Dự án đóng tàu điều tra, nghiên cứu tài nguyên và môi trường biển như đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT).
Việt Nam sắp có tàu hơn nghìn tỷ để nghiên cứu biển |
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN&MT chủ động làm việc với các Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính để bố trí vốn thực hiện dự án; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đáp ứng yêu cầu công tác điều tra, nghiên cứu tài nguyên, môi trường biển và đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án theo quy định.
Trước đó, Dự án đóng tàu điều tra, nghiên cứu tài nguyên, môi trường biển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đồng ý bố trí vốn thực hiện từ năm 2014. Theo báo cáo của Bộ TN&MT, trong năm 2015-2016 sẽ thực hiện đóng xong tàu, từ năm 2017-2018 thực hiện mua sắm trang thiết bị điều tra, khảo sát lắp đặt trên tàu để hoàn thành dự án đóng tàu điều tra, nghiên cứu tài nguyên, môi trường biển.
Vậy là sau hai năm, dự án đóng tàu mang tên “Tàu điều tra nghiên cứu tài nguyên môi trường biển” được Tổng Cục biển và hải đảo đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ với kinh phí khoảng 1.100 tỷ đồng đã được phê duyệt.
Tàu khảo sát đo đạc biển HSV đóng tại Tổng công ty Sông Thu. |
Theo dự án của Tổng cục thì tàu sẽ đi vào hoạt động với 50 thuyền viên, nhà khoa học nghiên cứu về môi trường biển Việt Nam.
Nếu dự án được phê duyệt, dự kiến con tàu do chuyên gia Hà Lan thiết kế, các kỹ sư Việt Nam sẽ thi công.
Theo thiết kế, tàu có chiều dài khoảng 67m, rộng 13m, gồm 4 tổ máy chính chạy dầu diesel, trọng tải tại chiều chìm thiết kế khoảng 275 tấn. Công suất tàu đạt khoảng 2.000 CV, vận tốc thử tại mớn nước thiết kế khoảng 12,0 hải lý/giờ. Tầm hoạt động khoảng 5.000 hải lý. Khả năng sử dụng trang thiết bị gió cấp 9, sóng cấp 7.
Tàu nghiên cứu đa năng có tính năng kỹ thuật, cấu hình và các trang thiết bị máy móc đáp ứng việc thực hiện các nhiệm vụ như: điều tra, khảo sát các yếu tố về tài nguyên và môi trường biển, thu thập các dữ liệu, số liệu (chuẩn quốc tế) về các đặc trưng vật lý, hải dương học; địa chất, địa mạo; sinh học, sinh thái học; phân tích mẫu nước, trầm tích, sinh thái môi trường; đo đạc biển.
Tàu cũng có thể vẽ bản đồ biển nhằm đáp ứng yêu cầu công tác điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên và môi trường biển; phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, phối hợp với các lực lượng bộ đội biên phòng, cảnh sát biển và các lực lượng chức năng khác thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh trên tuyến biển, hải đảo.
Theo ông Nguyễn Văn Cư, Tổng Cục trưởng Tổng Cục biển và hải đảo, Việt Nam có hai con tàu, một tàu nghiên cứu biển, một con tàu đo đạc biển. Tuy nhiên, cả hai con tàu này có công suất thấp chỉ chịu được sức gió dưới cấp 5, còn tàu mới nếu hoàn thành sẽ chịu được sức gió cấp 9.
Dự kiến, đây sẽ là con tàu lớn nhất tham gia vào việc nghiên cứu môi trường biển, góp phần bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam.
Thái Linh (Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét